LỒ - NƠI TÌM VỀ KÝ ỨC
(NETMODE.VN) LỒ - một cái tên thật đơn giản, mộc mạc mà lại khiến người ta tò mò! Tò mò bởi không biết ở đó chứa đựng điều gì mà sao nghe thân thương quá đỗi!??
Trong Tiếng Việt, Lồ chính là một thứ đồ đựng hình giống cái bồ, đan bằng mây tre thưa mắt, dùng để đựng hàng. Hiểu cái tên LỒ nôm na là vậy!
LỒ nằm trong một con ngõ nhỏ, trông rất khiêm tốn ở số 14 Hai Bà Trưng, Hà Nội, vị trí mà nếu bạn đi lướt qua khó mà để ý. Đây là một con ngõ vẫn còn bóng dáng những ngôi nhà từ thời xưa còn xót lại. Cánh cổng nơi treo tấm biển của LỒ cũng rất mộc mạc nhưng đầy cuốn hút bởi sự nhẹ nhàng mà đầy cá tính!
Cổng vào của Lồ với chiếc biển gỗ cũ kỹ cùng dòng sơn xanh nhẹ nhàng mà đầy cá tính "Lồ and Xô". Nơi đây vốn là 2 căn phòng, 1 căn trước được dùng để trưng bày và bán rượu với tên gọi là "Xô". Sau này, "Xô' không còn hoạt động nữa nên được dùng cả cho "Lồ". Với sự tích của tấm biển thôi, ta cũng đủ cảm thấy nó thật đúng với tinh thần của người tạo dựng là : gìn giữ những điều mang tính giá trị về mặt thời gian và điều gốc rễ của một hiện tại và tương lai.
Không gian của Lồ là một căn hầm của một ngôi biệt thự cổ từ thời Pháp. Một không gian với thứ ánh sáng âm và cái mát dìu dịu. Nhìn ngoài, LỒ thật khiêm tốn nhưng khi bước vào, cảm xúc của người ngắm nhìn như được vỡ òa với những ký ức tuổi thơ một thời, những ký ức mà những ai thuộc thế hệ từ 8X đổ về trước giờ chỉ có thể may mắn tìm lại trong những bức ảnh hiếm hoi về một thời đã xa!
Một góc không gian chính của LỒ với những vật dụng và đồ dùng bằng gốm mộc được vớt từ lòng Sông Mã, chiếc túi lưới nhựa Liên Xô một thời ngập tràn phố phường Hà Nội trên tay các chị em phụ nữ, chiếc bình vôi cũ kỹ, bức tượng Hải Thượng Lãn Ông mộc mạc mà rất có hồn.
Họa sĩ Phương Giò (Nguyễn Đức Phương) là một người thuộc thế hệ 8X. Anh là người luôn đau đáu với nỗi trăn trở về những giá trị văn hóa đời sống bình dân ngày một bị “chảy máu”, bị mất dần đi mà không được bảo tồn và lưu giữ. Đến với Lồ, bạn có thể nhìn thấy những vật dụng hết sức đơn sơ, mộc mạc nhưng đầy nét duyên thầm. Bởi, nó là những thứ gắn liền với đời sống thường nhật của con người. Nó hằn trên mình những dấu vết của thời gian, của giá trị sử dụng, của những văn hóa sinh hoạt một thời trong đời sống thường nhật! Họa sĩ Phương Giò đi gom nhặt những vật dụng ấy, những giá trị đời sống ấy dọc con sông Mã, gom nhặt khắp các vùng miền phía Bắc Việt Nam, len lỏi vào từng vùng dân tộc miền núi. Tất cả chỉ để lưu giữ lại cho các thế hệ sau, có cơ hội được ngắm nhìn lại, được tìm về với những ký ức một thời của cha ông, chứ không phải những thứ quá cao sang của các bậc vương giả mà lâu nay vốn được gìn giữ và bảo tồn nhiều hơn!
Chiếc giỏ đựng đồ được đan từ mây, tre, nứa gắn liền với đời sống thường nhật của người dân tộc vùng Tây Bắc, chiếc mõ trâu bằng gỗ mộc mạc mà duyên dáng... Những thứ ấy tưởng chừng quá nhỏ bé mà lại thật cuốn hút dù được đặt ở vị trí khá khiêm nhường. Có lẽ bởi nét duyên và sức hút ấy mà ngày nay, không ít các nhà thiết kế nội thất đã khéo léo đưa những thứ ấy vào trong ý tưởng decor nội thất cho không gian ở hoặc nghỉ dưỡng một cách rất tinh tế!
Chiếc nón lá trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân tộc vùng Tây Bắc được cố tình đưa vào không gian cũ kỹ mà chợt hóa nét duyên hút hồn.
Cái hom được đan từ tre, nứa - vốn dĩ là vật dụng đựng tôm, cua, cá, ốc khi đi làm đồng của người nông dân vùng Đồng Bằng Bắc Bộ - được khéo léo treo trên bức tường cũ với màu sắc của thời gian ánh lên thật ý nhị và cảm xúc.
Chiếc lịch gỗ cổ xưa của thày phong thủy
Bộ chày, cối của người dân tộc vùng Tây Bắc thật xinh xắn bên chiếc ghế vốn được dùng để kê vót tre, sau nhiều lần vót tre, chiếc ghế đã hằn lên những vệt xước và hao mòn của đời. Duyên thầm của đời là ở những hằn sâu như thế!
Có một món đồ rất nhỏ, nhỏ lắm, ở LỒ, mà phóng viên của Netmode.vn rất tò mò! Đó chính là những bức tượng phỗng đất nhỏ xinh. Đây là một trong những món đồ chơi truyền thống chứa đựng những ý nghĩa lịch sử, văn hóa của dân tộc của cha ông ta từ thời xa xưa. Đến nay, đa số các món đồ chơi đó đã bị chìm vào quên lãng, trong đó có phỗng đất! Họa sĩ Phương Giò đã tìm cách khôi phục lại món đồ chơi mang trong mình đầy giá trị văn hóa dân tộc như thế và giao lại cho người Làng Hồ duy trì và phát triển lại.
Không gian của LỒ nhỏ bé nhưng chứa đựng rất nhiều giá trị nhân văn. Mỗi góc trưng bày lại là một câu chuyện thú vị, một hồi ức về một thời xa xưa mà bạn chỉ cần ngắm nhìn thôi cũng thấy yêu thương vô cùng! Bởi, mỗi vật dụng, mỗi món đồ, đã mang sẵn trong mình một nét duyên thầm, một cái hồn của thiên nhiên quện cùng hơi thở của đời người!
Một góc cửa sổ nhỏ nơi bày vài bức tượng gỗ cũ kỹ đã tróc sơn nhưng đầy nét tinh tế, đáng yêu, đôi ba viên gạch cũ - vốn là một phần của một công trình văn hóa bị dỡ bỏ, mang trong mình giá trị về mặt thời gian và lịch sử, được họa sĩ Phương Giò mang về với sự trân trọng và giữ gìn.
LỒ và người tạo dựng lặng lẽ bên nhau với những nỗi niềm đau đáu về những mất mát, những cái duyên của đời, mà thực sự phải yêu thương rất nhiều mới có thể giữ lại bên nhau, trao đi và lưu truyền lại cho muôn đời,để cùng ngắm nhìn và thấu hiểu về một nền văn hóa và giá trị lịch sử dân tộc một thời đã qua.
Hình ảnh: Trương Đại Dương
NETMODE.VN
Chuyên mục xem nhiều nhất
Chuyên trang về Sự kiện - Nhiếp ảnh - Thời trang - Làm đẹp - Mua sắm - Du lịch - Ẩm thực
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Specialized Site about: EVENT - PHOTOGRAPHY - FASHION - BEAUTY - SHOPPING - TRAVEL - CUISINE